Chi phí trong quá trình vận chuyển là một yếu tố luôn được các doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm. Hãy cũng SUN VN tìm hiểu các chi phí thường trong quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu trong chuỗi blog chia sẻ hằng tuần từ nay tới cuối tháng 4 nhé. Để mở đầu, hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu các chi phí thường gặp đối với hàng hóa xuất khẩu nguyên container bằng đường biển - hình thức vận chuyển phổ biến nhất trong thương mại quốc tế hiện này nhé.
Chi phí đầu tiên cần kể đến là cước biển cho vận chuyển từ cảng xuất tới cảng dỡ. Cước biển sẽ thay đổi tùy thuộc vào khoảng cách vận chuyển và mức độ phổ biến của tuyến thương mại. Ngoài cước, các hãng tàu còn thu một số các phụ phí đi kèm với cước. SUN VN sẽ giới thiệu các phụ phí này trong blog tuần tới.
Bên cạnh cước biển và các phụ phí cước, chủ hàng phải trả một số phí local charge cho hãng tàu tại cảng xuất như sau:
1. Phí xếp dỡ tại cầu cảng (Terminal Handling Charge - THC)
THC tại cảng xuất là loại phí trả cho hoạt động vận chuyển container từ cầu cảng/bãi container xuống. Loại phí này được thu để bù đắp cho các khoản tiền thuê nhân công vận hành và khấu hao trang thiết bị bốc xếp tại cầu cảng và chằng buộc trên boong tàu. Phí này được thu theo đơn giá trên mỗi contianer với mức thu tùy thuộc vào loại container.
2. Phí niêm chì (Seal Fee)
Để đảm bảo hàng hóa không bị mất mát trong quá trình vận chuyển, chủ hàng phải niêm phong container trước khi giao cho bên vận chuyển. Vật dụng để niêm phong container được gọi là chì (seal). Hãng tàu hoặc bên đại điện của họ sẽ giao chì tương ứng với số lượng container khi giao vỏ container rỗng cho chủ hàng. Trên mỗi chiếc chì được in logo của hãng tàu và số hiệu cụ thể và duy nhất để thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm soát.
Phí niêm chì chính là chi phí để mua chì niêm phong này. Mỗi container có thể được niêm phong bằng một hoặc nhiều chì tùy vào nhu cầu của chủ hàng nhưng bắt buộc phải có chì của hãng tàu. Trong trường hợp mất chì hoặc phải cắt chì phục vụ kiểm hóa, chủ hàng sẽ cần liên hệ với hãng tàu để được cấp lại và trả thêm chi phí cho chì mới. Hãng tàu chỉ chấp nhận vận chuyển container khi conatiner có kẹp chì hãng tàu.
3. Phí phát hành vận đơn (Document fee/BL fee)
Vận đơn (Bill of lading/BL) là chứng từ quan trong trong vận chuyển hàng hóa vì nó được xem là bằng chứng của hợp đồng vận chuyển cũng như quyền sở hữu hàng hóa. Hãng tàu sẽ phát hành vận đơn với thông tin chi tiết về lô hàng cho chủ hàng sau khi nhận hàng hóa để vận chuyển.
Phí phát hành vận đơn được thu theo số lượng BL là chi phí để hãng tàu phát hành chứng từ này cho chủ hàng. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết hơn về vận đơn trong một blog khác nhé.
4. Phí điện giao hàng (Telex release fee/ Surrendered fee)
Đối với các trường hợp người gửi hàng đồng ý xác nhận với hãng tàu về việc giao hàng cho người nhận mà không yêu cầu xuất trình vận đơn gốc, hãng tàu sẽ thông báo tới đại lý của họ tại cảng đến về việc giao hàng thông qua điện tín, email hoặc thông báo trên hệ thống nội bộ. Chi phí cho việc gửi thông báo này được gọi là phí điện giao hàng. Chúng ta cũng sẽ cùng tìm hiểu sâu hơn trong một blog khác nhé.
5. Phí khai báo hải quan tại cảng đích
Có một số quốc gia có những hệ thống quản lý riêng đối với những lô hàng được nhập khẩu vào nước họ. Chi tiết về từng lô hàng nhập khẩu vào các quốc gia này cần được khai báo đến hải quan thông qua các hệ thống điện tử. Phí khai báo hải quan tại cảng đích là tên gọi chung cho việc hãng tàu thực hiện các khai báo này. Cụ thể:
- Phí AMS (dành cho hàng đi Mỹ, 1 số cảng châu Phi),
- Phí ACI/E-manifest (cho hàng đi Canada),
- Phí ENS (cho hàng đi châu Âu),
- Phí AFR (cho hàng đi Nhật và 1 số cảng Trung Quốc)...
Ngoài 5 loại chi phí phổ biến trên, cũng có một số chi phí có thể phát sinh như:
Phí đổi cảng đích (Change of destination/COD): thu khi chủ hàng yêu cầu hãng tàu vận chuyển hàng sang một cảng khác so với booking ban đầu sau khi hàng hóa đã được xếp lên tàu.
Phí gửi thông tin vận đơn muộn (Late SI): Các hãng tàu luôn đưa ra thời gian cụ thể mà chủ hàng cần gửi các thông tin cần thiết cho việc phát hành vận đơn. Nếu đã đến thời hạn mà chủ hàng chưa cung cấp sẽ phải đóng thêm phí gửi muộn này.
Phí thanh toán chậm (Late payment): Tương tự như việc gửi SI, các hãng tàu cũng có thời hạn cụ thể cho việc thanh toán. Nếu thanh toán sau thời hạn này, chủ hàng sẽ phải trả thêm phí thanh toán muộn.
Trên đây, Sun V.N đã cung cấp tới các bạn chi tiết các loại chi phí thường gặp đối với hàng hóa xuất khẩu nguyên container bằng đường biển và các phụ phí liên quan khác. Mong rằng, bài viết này đã cung cấp thêm thông tin và kiến thức hữu ích đến các bạn đọc. Hẹn gặp lại các bạn trong các blog sắp tới nhé.
Các chi phí thường gặp đối với hàng hóa xuất khẩu nguyên container bằng đường biển