Các loại phí local charge cho hàng nhập khẩu nguyên container

" Nguồn: Sun North VN"
6 tháng 6, 2024 bởi
Sun North V.N
| Chưa có bình luận

Trong bài viết hôm nay, hãy cùng SUN VN tìm hiểu các phí local charge cho hàng nhập khẩu nguyên container nhé.

Phí Lệnh giao hàng - (DO fee/Delivery Order fee)

Lệnh giao hàng (Delivey Order) là một chứng từ do hãng vận chuyển (hoặc bên giao nhận vận tải) phát hành nhằm hướng dẫn đơn vị khai thác cảng chuyển giao hàng hóa cho đúng bên thực hiện hoạt động nhập khẩu (bên nhập khẩu hoặc đại diện của họ). Phí DO được thu để phục vụ việc phát hành này.

Sau khi người nhận hàng (consignee) hoàn thành nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các chi phí phát sinh tại cảng dỡ, họ sẽ nhận được DO từ hãng tàu/bên giao nhận để kéo hàng ra khỏi cảng.

DTHC (Destination Terminal Handling Charge)

Là phí xếp dỡ hàng tại cảng được tính trên mỗi một container hàng hóa được bốc xếp từ tàu xuống cầu cảng. Loại phí này nhằm mục đích bù đắp các khoản chi phí mà hãng tàu phải trả cho cảng như xếp dỡ hàng, tập kết container ở bãi, ….

CIC (Container Imbalance Charge)

Là phí mất cân bằng container. Đây là một loại phụ phí vận tải đường biển được thu bởi các hãng tàu với mục đích bù đắp chi phí vào việc điều chuyển các container rỗng từ nơi thừa container đến các khu vực thiếu container rỗng.

Phí này xuất hiện ở các tuyến vận chuyển mà cán cân xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với nước bạn ở tình trạng nhập siêu (lượng hàng hóa nhập về nhiều hơn so với hàng hóa xuất đi), điển hình như Trung Quốc… Không giống với các phí local charge khác thường có mức thu thống nhất tại tất cả các cảng trên cả nước, mức phí CIC  có thể có sự khác biệt giữa các cảng, và mức phí tại Hồ Chí Minh thường thấp hơn các cảng còn lại.

Phí vệ sinh container (Container cleaning fee)

Đây là chi phí mà người nhận hàng phải trả cho hãng tàu để làm sạch cơ bản vỏ container rỗng sau khi trả vỏ container rỗng tại các depot.

Phí này sẽ được thu ngay trước khi hãng tàu trả D/O cho người nhận hàng và là một chi phí cố định bắt buộc phải nộp, dù container được trả vỏ trong tình trạng sạch. Đối với những container có mức độ bẩn hoặc hư hại lớn thì hãng tàu sẽ thu thêm chi phí sữa chữa theo từng trường hợp cụ thể.

Phí quản lý thiết bị (Equipment Management Charge)

Đây là một loại phí mới được một số hãng tàu bổ sung từ khoảng năm 2020 nhằm đảm bảo việc quản lý, bảo dưỡng các thiết bị phụ trợ trong quá trình vận chuyển hàng hóa như container, xe nâng, thiết bị xếp dỡ tại cầu tàu… giúp đảm bảo  thiết bị hoạt động ổn định, an toàn trong quá trình bốc xếp, vận chuyển và lưu trữ hàng hóa. Đối với một số mặt hàng nặng hoặc hàng đặc biệt, phí này có thể bị thu ở mức cao hơn so với các mặt hàng thông thường.

Sun North V.N 6 tháng 6, 2024
Chia sẻ bài này
Thẻ
Blog của chúng tôi
Lưu trữ
Đăng nhập để viết bình luận